Nhà sản xuất nhôm hàng đầu châu Á – Zhongwang đã được chấp thuận tiến hành thủ tục phá sản. Điều này đang đè nặng áp lực lên nguồn cung nhôm toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc.
Thị trường nhôm gần đây tràn ngập những tranh cãi xung quanh tin tức về tập đoàn, nhà sản xuất nhôm Zhongwang Holdings phá sản. Vào năm 2019, các công tố viên Mỹ đã buộc tội 6 công ty ở nam California về việc trốn thuế nhập khẩu nhôm. Các tổ chức này có quan hệ mật thiết với chủ sở hữu của Zhongwang Holding là ông Liu Zhongtian. 6 công ty liên quan đã phải trả 1,83 tỷ USD tiền bồi thường trong năm nay, nhưng cả đại diện của Zhongwang Holdings và ông Liu đều không xuất hiện trước tòa.
Các công tố viên đã cáo buộc rằng từ năm 2011 đến năm 2014, các công ty đã bán 2,2 triệu pallet nhôm cho một công ty Mỹ do Liu kiểm soát. Sau đó, họ sử dụng các cơ sở nấu chảy để biến các pallet trở lại thành các sản phẩm thương mại và bán lại cho các công ty khác để kiếm lợi nhuận. Vụ việc này đã được đưa tin rộng rãi và mang lại tai tiếng cho cả ông lẫn công ty, khiến phương Tây bắt đầu để ý tới họ.
Nhanh chóng vượt qua sóng gió đó và trỗi dậy trở lại tuy nhiên 3 năm sau, Zhongwang đã tuyên bố phá sản. Mặc dù điều này hầu như không đáng ngạc nhiên đối với một hoạt động gian lận thương mại như vậy, tuy nhiên điều này để lại hậu quả nặng nề với nguồn cung nhôm toàn cầu.
Tòa án Thẩm Dương (Trung Quốc) mới đây đã chấp thuận đề nghị của các chủ nợ cho phép Zhongwang Holdings – nhà sản xuất nhôm hàng đầu thế giới được tiến hành thủ tục phá sản. Theo đó công ty mẹ và 252 công ty con của Zhongwang sẽ tiến hành tái cấu trúc do không có khả năng thanh toán các khoản nợ. Thông cáo cũng trích dẫn một số báo cáo từ hãng kiểm toán Mazars đề cập tới khoản nợ khổng lồ lên tới 64 tỷ USD của các thành viên Zhongwang, trong khi tổng tài sản của tập đoàn này chỉ ở mức 28,1 tỉ USD (tính đến cuối tháng 3/2022). Thậm chí, công ty thành viên của Zhongwang đang niêm yết trên sàn chứng khoán Hồng Kông tới nay vẫn chưa công bố các báo cáo thường niên năm 2021 và báo cáo bán niên năm 2022.
Nói về chiến lược vận hành công ty, Liu đã phát triển Zhongwang thông qua các thương vụ mua tài sản bằng vay nợ. Thương vụ mua lại một hãng sản xuất du thuyền sang trọng của Úc đã thể hiện điều này khi không mang lại lợi ích cho tập đoàn. Tiếp đó là việc mua lại Aluminumwerk Unna của Đức, một nhà sản xuất ống nhôm không hàn được sử dụng trong máy bay. Tuy nhiên, mức thuế xuất khẩu phôi thép của Trung Quốc đồng nghĩa với việc Zhongwang không bao giờ có thể thu lợi từ các thương vụ mua lại của mình. Do đó, Una luôn là một công ty con độc lập.
Các quản trị viên của công ty đang nỗ lực thoái vốn các doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu bồi thường của các chủ nợ. Tuy nhiên nhiều bộ phận đang hoạt động không chắc chắn và phụ thuộc vào sự hỗ trợ của nhà nước địa phương. Điều này cũng cho thấy Bắc Kinh rất khó có thể bước vào để giải cứu doanh nghiệp.
Thông qua các cuộc phỏng vấn với các thương nhân địa phương, MetalMiner cho biết các công ty con sẽ có thể bị thâu tóm bởi những doanh nghiệp nhà nước với vốn lớn, được nhà nước tài trợ và quan tâm đến việc duy trì ổn định của thị trường.
Về mặt năng lực, Zhongwang vẫn là nhà sản xuất nhôm lớn nhất ở châu Á. Việc đóng cửa công ty này sẽ để lại một lỗ hổng lớn trong nguồn cung nhôm toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc.
Tuy nhiên, một số câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp như ai sẽ đứng ra tiếp quản những nhà máy được cho là khả thi hay sự sụp đổ này có thúc đẩy sự thay đổi trong giám sát các khu vực tư nhân của Bắc Kinh hay không?
Sau sự sụp đổ của rất nhiều công ty bất động sản và xây dựng, trong đó Evergrande chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, việc các nhà sản xuất tư nhân phá sản đang trở thành nỗi lo cho các nhà chức trách.
Theo Oilprice