Nhu cầu kim loại công nghiệp bao gồm đồng, kẽm và nhôm định hình đã vượt dự trữ toàn cầu năm 2024 do có dấu hiệu gia tăng nhu cầu từ các nhà sản xuất Trung Quốc, trong khi xuất hiện sự lo ngại về nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt.
Chỉ số giá của sáu kim loại công nghiệp trên Sàn giao dịch kim loại Luân Đôn đã tăng 8% kể từ đầu năm 2024, vượt xa mức tăng 6,3% của chỉ số chứng khoán toàn cầu của MSCI (Morgan Stanley Capital International).
Chỉ số này bao gồm cả chì, nhôm, thiếc và niken đã tăng mạnh trong tháng 4/2024 khi các nhà đầu tư ngày càng tin tưởng rằng cho dù lãi suất toàn cầu cao sẽ kéo dài để kiềm chế lạm phát nhưng sẽ không cản trở sự tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, các nhà phân tích cũng nêu lên mối lo ngại về những trở ngại trong sản xuất từ các công ty khai thác sẽ tác động hạn chế nguồn cung.
Theo nhà chiến lược gia về hàng hóa tại ING, ông Ewa Manthey cho rằng: “Hy vọng về sự phục hồi nhu cầu toàn cầu trong năm nay đang hỗ trợ giá kim loại công nghiệp cao hơn”.
Các nhà kinh doanh rất hoan nghênh khi xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên về nhu cầu tăng trở lại đến từ Trung Quốc, quốc gia bị suy giảm kinh tế kể từ khi nước này dỡ bỏ các chính sách cứng rắn đối với phòng chống dịch virus Corona từ tháng 12/2022. Chỉ số quản lý mua hàng (purchasing managers’ index) mới nhất của Trung Quốc được công bố vào cuối tháng 3/2024, báo hiệu sự gia tăng hoạt động sản xuất của các nhà máy trong tháng 3, sự gia tăng lần đầu tiên kể từ tháng 9/2023.
Sự tăng giá này xuất hiện khi các nhà phân tích lo ngại về tác động của nguồn cung bị thắt chặt hơn từ các công ty khai thác. Vào tháng 3, các nhà máy luyện đồng của Trung Quốc, nơi xử lý hơn một nửa nguồn cung kim loại đỏ của thế giới, đã đồng ý bắt tay vào việc cắt giảm sản lượng chung để đối phó với tình trạng thiếu nguyên liệu thô, mặc dù vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng.
Viện Quản lý Cung ứng (Institute for Supply Management) hồi đầu tháng này cho biết chỉ số hoạt động sản xuất nhà máy tại Mỹ đã tăng trưởng ở tháng 3, lần đầu tiên kể từ tháng 9 năm 2022.
Bank of America hôm thứ Hai, ngày 08/4/2024 đã nâng dự báo giá đối với các kim loại công nghiệp do dự đoán nguồn cung thắt chặt và nhu cầu tăng nhanh, đặc biệt là đối với đồng.
Nhà môi giới dự báo giá đồng và nhôm sẽ tăng lên mức trung bình lần lượt là 12.000 USD/tấn và 3.250 USD/tấn vào năm 2026.
Michael Widmer, chiến lược gia hàng hóa của BofA, cho biết: “Việc thiếu các dự án khai thác đang trở thành một vấn đề ngày càng làm tăng giá đối với đồng”. Trong khi đó, “đầu tư vào công nghệ xanh và sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu” sẽ đẩy giá tăng hơn nữa.
Số liệu công bố hôm thứ Tư, ngày 10/04/2024 cho thấy lạm phát của Mỹ đã tăng lên mức 3,5% hàng năm trong tháng 3, từ mức 3,4% trong tháng 2, vượt qua kỳ vọng và đánh dấu mức tăng hàng tháng thứ hai liên tiếp khi Cục Dự trữ Liên bang cân nhắc thời gian giữ lãi suất ở mức hiện tại, là đỉnh cao nhất trong 23 năm qua.
Shaniel Ramjee, đồng giám đốc một công ty quản lý quỹ cho biết: “Tất cả những điều này xảy ra khi chúng tôi nhận thấy kỳ vọng lạm phát trên toàn cầu bắt đầu tăng lên, vì vậy các nhà đầu tư đang tìm kiếm để đầu tư vào hàng hóa – đặc biệt là hàng hóa công nghiệp – như là một biện pháp phòng ngừa lạm phát”.
Trong khi đó, Barclays khuyến nghị nên đầu tư nhiều vào cổ phiếu khai thác mỏ ở châu Âu, nơi sẽ được hưởng lợi từ giá kim loại tăng và những “dấu hiệu sống” mới ở Trung Quốc. Lĩnh vực này bị sụt giảm so với thị trường chung trong phần lớn thời gian trong năm nay nhưng đã hoạt động tốt hơn kể từ đầu tháng Tư.
Khang Le (theo Financial Times)