Nga chiếm khoảng 1/4 sản lượng thế giới đối với một số kim loại, do vậy bất kỳ động thái nào của Nga nhằm hạn chế xuất khẩu những vật liệu này sẽ gây ra làn sóng giá kim loại tăng trên thị trường hàng hoá, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và tạo ra vấn đề lớn cho các nhà sản xuất.
Theo Financial Times, Citigroup mới đây cảnh báo những rủi ro khi Nga xem kim loại cung ứng ra thị trường là “vũ khí”. Việc hạn chế xuất khẩu các nguyên liệu được sử dụng rộng rãi trong sản xuất công nghiệp và năng lượng như nhôm, palladium và nhiên liệu hạt nhân, có khả năng dẫn đến việc tăng giá đối với các mặt hàng này.
Hầu hết vật liệu này chưa phải chịu lệnh trừng phạt của các nước phương Tây hoặc lệnh hạn chế xuất khẩu của Nga kể từ khi căng thẳng địa chính trị bùng nổ một năm trước, do vậy giá kim loại này cũng chưa bị tác động nhiều.
Ông Max Layton, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hoá Emea tại Citigroup cho biết khả năng Nga sẽ tiến hành “vũ khí hoá” mặt hàng kim loại, dẫn đến giá các mặt hàng này tăng mạnh.
Nga cho biết họ không có kế hoạch giảm xuất khẩu kim loại nhưng đã cắt giảm nguồn cung cấp năng lượng sang nước ngoài, vốn là nguồn doanh thu lớn cho ngân sách nước này. Năm ngoái, Nga đã giảm xuất khẩu khí đốt sang Châu Âu, gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng và tháng trước, nước này tuyên bố sẽ giảm sản lượng dầu trong nước không 5%.
Khi xung đột vẫn còn tiếp diễn, nhiều mặt hàng sẽ bị cuốn vào đó, ông Layton nói: “Hãy thử quan sát thị trường và đoán điều gì có thể xảy ra tiếp theo?”
Nhôm bắt đầu bị kéo vào cuộc xung đột vào hai tuần trước khi Mỹ tuyên bố áp thuế nhập khẩu 200% đối với nhôm của Nga với lý do lo ngại về an ninh quốc gia. Theo đó, ngày 24/2, Nhà Trắng thông báo từ ngày 10/3/2023, Mỹ sẽ áp đặt mức thuế nhập khẩu 200% đối với nhôm và các sản phẩm từ nhôm của Nga. Cũng theo Nhà Trắng, từ ngày 10/4 tới, Mỹ sẽ áp thuế 200% đối với nhôm nhập khẩu với mọi lượng nhôm sơ cấp được đúc tại Nga. Cho đến nay vẫn chưa có quốc gia nào khác làm theo.
Nhiều doanh nghiệp trong ngành tin rằng các nước phương Tây đã tránh áp đặt lệnh trừng phạt đối với kim loại của Nga vì chúng rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất và khó có thể tìm nguồn cung khác để thay thế.
Nga chiếm khoảng 1/4 sản lượng palladium trên thế giới. Vật liệu này được dùng trong bộ chuyển đổi xúc tác trong phương tiện giao thông. Hầu hết sản lượng palladium mà Nga sản xuất được dùng cho xuất khẩu.
Đối với bạch kim, Nga chiếm khoảng 11% sản phẩm tinh chế trên toàn cầu. Tuy nhiên, sản lượng trong quý IV/2022 giảm 10% do những thách thực về logistics khiến việc đưa nguyên liệu từ Nga đến cơ sở chế biến ở Phần Lan trở nên khó khăn.
Ông Ed Steck, Giám đốc nghiên cứu của Hội đồng đầu tư bạch kim thế giới cho biết “Thực tế, đối với nhóm bạch kim, đặc biệt liên quan đến mục đích sử dụng cho ngành công nghiệp ô tô, là không có đủ lựa chọn để thay thế cho Nga”.
Một số nước phương Tây tránh việc sử dụng nguyên liệu của Nga như nhôm, niken, khiến giá bị đẩy cao hơn.
Sàn giao dịch kim loại London hồi tháng 2 cảnh báo kim loại của Nga đang tích tụ trong các kho của họ với 41% dự trữ nhôm sơ cấp và 95% dự trữ đồng có nguồn gốc từ Nga – một dấu hiệu cho thấy nhiều nước đang tránh sử dụng nguồn tài nguyên này.
Quan trọng hơn nữa, Nga là nước xuất khẩu nhiên liệu hạt nhân đáng kể vì có nguồn uranium và năng lực xử lý hạt nhân lớn. Những lo ngại về hạn chế đối với mặt hàng này có thể xảy ra khiến giá xử lý tăng lên mức kỷ lục. Hiện tại, EU và Mỹ vẫn đang nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân từ Nga, ngay cả khi họ cố gắng đẩy nhanh việc chuyển đổi sang các nguồn cung thay thế.
Theo Financial Times