Cho đến thời điểm này năm nay, giá nhôm đã tăng khoảng 40%, nhanh hơn so với tất cả các loại kim loại được giao dịch nhiều khác.
Có lẽ ít người biết rằng Guinea, một quốc gia Tây Phi với 13 triệu dân, lại đóng một vai trò lớn trong thị trường nguyên liệu toàn cầu. Trong những năm gần đây, nước này đã tăng cường sản xuất quặng bauxite, nguyên liệu để sản xuất nhôm, nhờ vào các khoản đầu tư lớn từ Trung Quốc.
Vào năm 2020, Guinea sản xuất khoảng 90 triệu tấn vật liệu này, chiếm khoảng 1/4 tổng sản lượng toàn cầu. Hiện Guinea cung cấp hơn một nửa lượng quặng bauxite được sử dụng trong các nhà máy luyện kim của Trung Quốc. Trong khi đó, các nhà máy luyện kim của Trung Quốc sản xuất hơn 50% sản lượng nhôm của thế giới.
Chính vì thế, cuộc đảo chính quân sự khiến Guinea rơi vào tình trạng hỗn loạn hôm 5/9 đã tạo ra những tác động đáng kể đến các thị trường nguyên liệu. Các sự kiện ở nước này đã đẩy giá nhôm lên mức cao nhất trong 10 năm. Guinea cũng là quê hương của Simandou, một trong những mỏ quặng sắt lớn nhất thế giới chưa được khai thác.
Tuy nhiên, theo tờ The Economist, Guinea chỉ là nhân tố mới nhất đằng sau việc giá nhôm tăng vọt. Cho đến thời điểm này năm nay, giá nhôm đã tăng khoảng 40%, nhanh hơn so với tất cả các loại kim loại được giao dịch nhiều khác. Lý do cho sự tăng giá mạnh này là nhu cầu ngày càng tăng.
Người tiêu dùng bị phong tỏa ở nhà có nhu cầu giải khát nhiều hơn, dẫn đến nhu cầu đối với lon nhôm cao hơn. Khi các nền kinh tế đã phục hồi sau cuộc suy thoái sâu do dịch COVID-19 trong năm 2020, nhu cầu về nhôm phục vụ xây dựng đã tăng lên. Các kế hoạch chi tiêu hào phóng cho cơ sở hạ tầng ở Mỹ, Trung Quốc và châu Âu đã góp phần thúc đẩy nhu cầu này tăng cao hơn nữa. Cùng với đó, việc bán xe điện, loại phương tiện có xu hướng chứa nhiều nhôm hơn so với ô tô thông thường, cũng đã thúc đẩy nhu cầu đối với kim loại này.
Tuy nhiên, những hạn chế về nguồn cung là yếu tố quan trọng hơn. Hồi tháng Tám, một vụ hỏa hoạn đã khiến một nhà máy luyện kim lớn ở Jamaica ngừng hoạt động. Trong khi đó, công ty khai thác và kim loại Rio Tinto đang cố gắng giải quyết cuộc đình công tại một nhà máy luyện kim ở Canada, cùng với những gián đoạn khác bắt nguồn từ phía Trung Quốc.
Sản xuất nhôm sử dụng một lượng lớn năng lượng. Các mục tiêu về tiêu thụ năng lượng mới đã khiến chính quyền một số tỉnh, chẳng hạn như các tỉnh ở Nội Mông và Tân Cương, phải thu hẹp quy mô sản xuất. Trong khi đó, tình trạng hạn hán ở Vân Nam đã ảnh hưởng đến sản lượng điện của các nhà máy thủy điện. Theo ước tính của ngân hàng JPMorgan Chase, những điều này có thể làm sản lượng nhôm hàng năm của Trung Quốc giảm khoảng 5%.
Liệu cuộc đảo chính ở Guinea có làm nguồn cung hạn chế hơn nữa hay không hiện vẫn chưa rõ ràng. Cho đến nay, các mỏ ở nước này vẫn đang hoạt động, các con tàu vẫn được chất đầy quặng bauxite và các kho ở các cảng của Trung Quốc cũng dự trữ đầy đủ. Tuy nhiên, một số nhà phân tích lo lắng rằng các quốc gia khác sẽ áp đặt trừng phạt đối với chính phủ mới của Guinea, hoặc chính chế độ mới sẽ đánh thuế những người khai thác mỏ. Tất cả những điều đó sẽ làm gián đoạn dòng chảy quặng bauxite ra khỏi quốc gia Tây Phi.
Tuy nhiên, ngay cả khi đó, quặng bauxite vẫn đủ dồi dào để các nhà máy luyện kim Trung Quốc lựa chọn. Điều này cho thấy mối quan tâm lớn hơn đối với thị trường nhôm là các quy định của Trung Quốc tiếp theo sẽ như thế nào.
Giới chức trách đã lo lắng về việc giá kim loại tăng cao sẽ làm tổn hại đến các nhà sản xuất Trung Quốc. Trung Quốc đã xuất kho nhôm cùng với các kim loại khác từ nguồn dự trữ chiến lược nhằm kiềm chế việc giá cả gia tăng.
Tuy nhiên, mục tiêu này mâu thuẫn với các mục tiêu khác như mục tiêu về tiêu thụ năng lượng và hạn chế về sản lượng nhôm của Trung Quốc, được đặt ra vào năm 2017, khi các nhà chức trách cho rằng nước này đã sản xuất quá nhiều. Nếu các nhà máy luyện kim của Trung Quốc bắt đầu hạn chế sản xuất khi gần chạm ngưỡng, giá có thể tăng cho đến khi các nhà máy luyện kim mới được xây dựng ở nơi khác.
Một khả năng là Trung Quốc bắt đầu chuyển hoạt động sản xuất nhôm ra nước ngoài, sang những nơi có giá nhân công rẻ, chẳng hạn như Indonesia. Một số hoạt động sản xuất nickel đã chuyển sang Indonesia và Hongqiao, nhà sản xuất nhôm lớn nhất thế giới, gần đây cho biết sẽ mở rộng hoạt động luyện kim của mình ở Indonesia.
Trong bối cảnh đó, giới cầm quyền mới ở Guinea có thể tính đến việc bán quặng bauxite của mình cho các công ty Indonesia, tất nhiên là với sự trợ giúp của Trung Quốc./.